Diễn đàn của T11
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Truyện ngắn: bạn cùng phòng

Go down

Truyện ngắn: bạn cùng phòng Empty Truyện ngắn: bạn cùng phòng

Bài gửi by Admin Fri Jul 25, 2008 8:55 pm

1. Thằng Tứ ngước đôi mắt rất to lên nhìn từng đứa: "Các cậu ở lại! Khi mô có dịp, tới nhà miềng chơi, hĩ!". Đôi mắt nó, thường ngày rất sinh động, hôm nay buồn thiu. Khuôn mặt ốm nhom hình như nhọn thêm. Dưới cằm, mấy sợi râu loe hoe chưa cạo, đâm lún phún…
Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt, giả bộ ngó lơ ra ngoài cửa sổ. Thằng Duy, như mọi khi, điềm đạm: "Ưa! Có tin gì, nhớ báo cho tụi mình, hĩ!". Thằng Nam chống cằm, nhìn chăm chăm chén cơm để trước mặt. Không khí như ngưng lại, đặc quánh…
Trong mâm, các món ăn còn nguyên: Ba con cá chiên rưới nước mắm ớt tỏi, thơm phức, nằm gọn lỏn trong cái đĩa trẹt. Tô canh chua với những lát bạc hà nổi trên mặt, óng ánh mỡ. Những lá xà lách mướt mát, những cộng giá trắng muốt, mảnh mai, rau thơm, rau húng xanh ngắt… ở giữa bàn, chén nước mắm vàng ươm, dập dềnh mấy lát ớt đỏ au… Chưa bao giờ chúng tôi có những thức ăn ngon và hấp dẫn đến thế. Đây là bữa cơm chia tay với thằng Tứ. Chưa biết bao giờ mới được gặp lại nhau.
2. Hai tháng trước, tôi từ Nha Trang vô đây. Hồi đầu, tôi cũng tính ở ký túc xá. Dạo một vòng, chợt thấy "oải": Mười hai đứa chen chúc nhau trong một phòng. Áo quần treo la liệt trên giường, vắt ngổn ngang trên cửa sổ. Cả bọn thi nhau hò hét, nói cười inh ỏi.
Lân la khắp nơi, tôi đến khu nhà trọ này. Giá không chênh bao nhiêu so với ký túc xá. Tôi nói với bác chủ nhà:
- Cháu ưng ở với mấy đứa tỉnh lẻ, con nhà nghèo!
Ông già có khuôn mặt tròn phúc hậu nhìn tôi cười cười:
- Thì có mấy đứa nhà giàu đậu đại học đâu!
Thằng Nam, từ Quảng "Ngã" (Quảng Ngãi) - như nó tự giới thiệu - là người thứ hai. Nam cao lêu đêu, có biệt hiệu "Nam cò". Quen miệng, chúng tôi gọi tắt: "Cò ơi!". Nó tỉnh queo: "Chi đó?"
Rồi đến thằng Duy trên Đà Lạt xuống. Duy da trắng trẻo, đi đứng, nói năng nhỏ nhẹ. Cả phòng nhất trí bầu Duy làm "trưởng phòng". Nó ít nói. Nhưng nói câu gì cũng có lý. Trên Đà Lạt cũng có trường đại học ngon lành. Vậy mà nó lặn lội xuống tận đây! Đáng được nể lắm!
Thằng Tứ nhập bọn sau cùng. Nhỏ con, ốm nhách nên lập tức chúng tôi gọi nó là "Tứ còi". Cái giọng Quảng "Nôm" đặc sệt nghe thiệt vui. Nó đổi âm "a" thành âm "ô" rất tự nhiên, kiểu như cái "láp xe độp" (lốp xe đạp), đi "lồm" (làm)… Nghe nó nói, tôi và Nam bật cười híc híc. Thằng Duy, như mọi khi, chỉ tủm tỉm.
Tứ dương mắt ngó chúng tôi: "Răng rứa?" Miềng nói, nghe lọa (lạ)! Hĩ"!". Tôi và Nam lại cười ngắc ngư. Nam, một tay ôm bụng, tay kia chỉ Tứ, tròn miệng: "Lọa! Lọa lắm! Hỉ!". Tứ gãi gãi tai, cười hì hì!. Từ đó, tiếng "hĩ" trở thành ngôn ngữ chung của phòng. Câu gì cũng thêm "hĩ", "hĩ"…
Chúng tôi dễ dàng nhất trí về khoản "góp gạo thổi cơm chung". Mỗi tháng ở nhà chỉ "trợ cấp" ba trăm ngàn đồng. Đủ các khoản chi: Tiền nhà, tiền ăn, tiền sách vở, tiền xà phòng… Trong khi cơm bụi tới ba ngàn đồng một đĩa. Chịu sao thấu! Hồi đầu, ai cũng hăm hở tính chuyện làm thêm, kiếm tiền. Nhưng ở chỗ này, "ra đường gặp sinh viên", đâu có việc gì!
Mỗi đứa góp 100 ngàn đồng, giao cho "thủ quỹ" Nam. Hàng ngày, ai về trước thì bắc cơm, ra chợ chồm hỗm mua ra hay đồ nấu chua. Có một thuận lợi cơ bản: cá ở đây rất nhiều. Cá sông, cá đồng, cá biển… Đặc biệt, loại cá tạp rất rẻ. Chúng tôi hay mua cả mớ về kho, làm "nguyên liệu dự trữ". Thứ này dễ chế biến: Một nồi canh, một vá cá là đủ mỗi bữa ai cũng có vài con trong chén làm "cảnh".
"Thực đơn" hàng ngày khá đơn giản: Món "chủ lực" đặt giữa bàn là một nồi canh tú ụ: Canh chua, canh rau tập tàng, canh bí… và một dĩa muối dầm ớt. Chấm hết! Hôm nào, "đầu bếp" hào phóng, cho thêm chén mắm cà, đã thấy sang hết biết. Nam là "dân" Quảng Ngãi, chi li, tính toán từng cắc. Nhờ vậy, cuối tháng "hạch toán", nếu dư chút đỉnh, bọn tôi được "bữa tươi": Ngoài món canh thường trực, trên mâm còn có đĩa thịt ba chỉ luộc. Thỉnh thoảng, thằng Tứ xuýt xoa: "Ngon hĩ" Hơn hẳn nhà miềng!". Giờ nghĩ lại, thấy thương nó quá!
Hôm nào cũng vậy, đi học về, đứa nào cũng đói meo. Nồi cơm sôi thế nào thì những cái bụng cũng ùng ục y chang vậy. Cơm dọn ra, những khuôn mặt háo hức vây lại. Lúc đó, chuyện "ăn cái gì" không quan trọng bằng "cái gì (để) ăn". Cứ cơm cho nhiều, căng bụng là được.
Một hôm, Tứ lang thang trong khu nhà trọ, "tha" về mấy miếng gỗ, những tấm ván cũ tróc sơn. Nó mượn bác chủ nhà mấy thứ đồ nghề, dành hẳn một ngày chủ nhật, đo đo, vẽ vẽ, rồi cưa cưa, đóng đóng…
Tôi tò mò: "Cậu định làm chi đó?"
Tứ vẫn cắm cúi cưa: "Để coi, hĩ!".
Đến tối, sản phẩm hoàn thành: Một cái bàn, 4 cái ghế đẩu. Cái bàn vẹt mất một góc. Ghế chỉ là hai miếng gỗ ghép lại. Mới nhìn, ngó lôm nhôm nhưng ngồi thử thấy cũng chắc chắn. Tứ xoa xoa hai tay: "Ngó cũng được! Hĩ! Vậy là có bàn ngồi ăn! Có chỗ học bài! Khỏi chóc ngóc trên giường, mỏi lưng muốn chết, hĩ!"
Tôi và Nam ngồi thử, xoay qua xoay lại, gật gù: "Tốt lắm!". Duy ngắm nghía một hồi, xác nhận: "Tay nghề không đến nỗi nào, hĩ!". Tứ mỉm cười ngượng nghịu.
Cưa thêm bốn miếng gỗ, đóng vô tường, Tứ quay sang chúng tôi: "Treo quần áo, hĩ!".
Tôi nhớ lại những cái quần đùi giăng trên cửa sổ trong ký túc xá, bất giác mỉm cười.
Trong phòng, chỉ có tôi học môn gì cũng làng nhàng. Còn lại đứa nào cũng "nổi" một thứ: Nam "cò" là "dân" chuyên lý. Có gì "théc méc" hỏi nó. Tứ "còi" được "tôn" là "cây toán". Các bài tập toán cao cấp, trong khi tôi gãi đầu nhăn nhó thì nó rung đùi báo kết quả chỉ sau vài phút. "Trưởng phòng" Duy được phong "giáo sư triết". Nó thật sự say mê cái môn học lê thê "phạm trù" với "khái niệm" này. Trong khi đó, mỗi khi cầm lên cuốn "Chủ nghĩa duy vật biện chứng", mắt tôi cứ díp lại. Nam và Tứ cũng vậy, bao giờ cũng vừa mở sách, vừa "ca" vài câu. Một lần, "giáo sư" Duy nhỏ nhẹ: "Các cậu đọc Mác chưa?". Tôi ngó Nam và Tứ, lắc đầu: "Chưa!". Duy đưa tay vuốt tóc, điềm đạm: "Để khi rảnh, mình kể…"
Không biết vì những câu chuyện về Mác, về Gienny - vợ ông - một người phụ nữ quí tộc xinh đẹp về trò chơi "Tự bạch" giữa Mác và con gái… thật sự hấp dẫn hay nhờ giọng kể lôi cuốn của Duy mà dần dần chúng tôi "ngộ" ra, Triết học cũng không đến nỗi khó "nhá". Do vậy trong khi hơn một nửa sinh viên phải thi lại môn này thì phòng tôi không ai bị "dính".
Đêm đêm, khi đã lên giường, cả bọn thay nhau "kể chuyện đêm khuya". Đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Cuối cùng bao giờ cũng quay về nỗi nhớ. Những nỗi nhớ sâu lắng, rõ ràng: Ba Nam thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Giờ nghĩ lại, hóa ra, ông rất thương nó. Ba Tứ chỉ là một người chèo đò ngang. Nhưng ông quyết tâm ki cóp những đồng bạc lẻ để Tứ vào tận đây học. Vì vậy, nó phải rán "kiếm" cho được học bổng. Còn tôi thì nhớ con em gái. Nó lắc xắc, hay nhõng nhẽo, nhưng rất dễ thương. Sao hồi ở nhà, tôi và nó hay cãi nhau như chó với mèo vậy cà?
Duy kể về má nó bằng một giọng buồn buồn: Ba mất khi nó còn nhỏ. Má rất đẹp nhưng cương quyết ở vậy nuôi con. Hai mẹ con sống dựa vào vườn rau phía sau nhà. Giọng nó chùng lại: "Giờ mình đi rồi! Còn một mình, chắc má cực lắm!".
Kỷ niệm cũng là một kho tàng đầy ắp trong ký ức mỗi đứa. Với Nam, đó là những mảng đồi bát ngát hoa sim tím, là những quả sim chín mọng, ngọt lừ. Duy không ngớt trầm trồ khi kể tên những loài hoa Đà Lạt: "tú cầu", "mimoda", "mai anh đào"… Hoa nào cũng đẹp thiệt đẹp, thơm thiệt thơm. Tôi say sưa mô tả cảnh Nha Trang với Tháp Bà, Hòn Chồng, Thủy cung… Bãi cát trắng loá hình vòng cung ôm ấp làn nước biển xanh thẳm màu ngọc bích… Còn Tứ, hắn khẳng định chắc nụi: "Không mô đẹp như quê miềng!": Sông Thu Bồn trong vắt, có thể nhìn thấy lớp sỏi dưới đáy. Hàng tre già um tùm rủ bóng hai bên bờ. Đặc biệt nhất là tấm thảm vàng rực rỡ khi hoa cải trổ bông, là những buổi chơi trốn tìm, rượt nhau trong đám cải, mặt đứa nào cũng vàng bụi phấn hoa… Đứa nào cũng hăng hái mời đến nhà. Chúng tôi quyết định, khi có dịp, sẽ lần lượt đến từng đứa, ở chơi vài bữa.
Vào những ngày chủ nhật, nếu không kẹt bài tập, bốn đứa leo lên hai cái xe đạp của tôi và Duy, đi chơi "Hồ Đá Bạc". Ở đó, những dãy núi đá vôi bị bào mòn, làm thành những hang động nho nhỏ. Từ trên cao, nước róc rách chảy theo các dòng suối, đổ vào một cái hồ nước xanh. Hai bên bờ, cây cối xanh mướt, lau lách um tùm. Cảnh vật hoang sơ, đẹp tuyệt. Trong khi chúng tôi leo núi, dạo chơi, vùng vẫy trong suối thì Tứ tình nguyện ở lại coi đồ. Lúc trở về, "đoàn thám hiểm" tròn mắt nhìn những con cá quẫy tứ tung mà Tứ đã câu. Bữa đó, cả bọn được thưởng thức món cá nướng chấm muối ớt! Ngon dễ sợ!
3. Giữa học kì II, cả trường xôn xao về chuyện lũ lụt lớn chưa từng thấy ở miền Trung. Hai đứa dân Quảng bồn chồn ra vô. Buổi tối, cả bọn sang bác chủ nhà xem chương trình thời sự trên tivi. Nam ở chỗ cao, cũng đỡ lo hơn. Nhà Tứ, như nó kể, nằm bên bờ sông. Con sông Thu Bồn đẹp là vậy mà giờ đây hung dữ như một con quái vật. Kiểu này, nhà Tứ chắc bị lũ cuốn trôi hết. Những buổi chiều, nó ngồi bất động, mắt nhìn đăm đắm đám keo lá tràm trước nhà. Đến bữa, nó trệu trạo hoài không xong một chén cơm. Chúng tôi thương nó mà không biết phải làm sao. Duy đưa ra ý kiến: "Hay mình cho Tứ tiền xe đò về thăm nhà!". Tứ xua tay, buồn bã: "Miềng gởi thư rồi! Đợi coi răng đã! Chừ miềng về cũng không giúp được chi mô!".
Thứ hai tuần sau, Tứ nhận được thư ba. Nó đưa bọn tôi xem, mắt đỏ hoe. Vài dòng ngắn ngủi báo tin nhà cửa, đồ đạc và con đò, phương tiện kiếm sống của cả nhà đã bị lũ cuốn hết. Ba nói nó phải về ngay!
Cả bọn thở dài, nhìn nhau bất lực. Phải chi chúng tôi giàu có!
Mỗi đứa ngồi một giường, lặng lẽ nhìn thằng Tứ xếp đồ vô cái túi du lịch cũ rích của nó. Mấy phút sau, Duy quay sang tôi, dè dặt: "Hay là vầy! Từ nay, Tứ khỏi lo chuyện tiền ăn. Tụi mình sân siu nhau, chắc cũng đủ, hĩ!". Tôi gật đầu: "Phải đó!". Nam cũng hưởng ứng liền: "Được chớ!". Duy ngồi xuống cạnh Tứ, nhỏ nhẹ: "Cậu viết thư cho ba, xin ở lại đi! Sắp tới, cậu có học bổng! Còn học phí, chắc sẽ được miễn! Vậy được hôn?". Tôi bước lại, vỗ vỗ vai Tứ: "Rán chút đi! Cậu học giỏi, bỏ uổng lắm!".
Khuôn mặt Tứ chợt méo xệch vì cảm động. Nó cúi đầu, ngẫm ngợi. Một hồi sau, Tứ ngẩng lên ngó Duy rồi ngó tôi, khẽ lắc đầu. Tiếng nó run run: "Miềng cám ơn các cậu. Nhưng mà, hổng được đâu! Miềng phải về, lo cách chi kiếm tiền phụ giúp ba má!".
4. Thằng Duy bưng chén cơm lên. Nó cầm đôi đũa khoát một vòng, giọng nghèn nghẹn:
- Thôi! Ăn đi các cậu! Thằng Tứ còn phải ra Ngã Ba đón xe!
Nhưng cái miệng trệu trạo há ra, ngậm vào, uể oải. Hết một chén, thằng Nam đặt đũa:
- Mình chịu! Ăn không nổi nữa!
Tứ và nốt miếng cơm đứng dậy. Ba con cá chiên vẫn còn nguyên trong đĩa. Chỉ có tôi chưa vơi bớt một nửa…
Nam lục trong hòm, đưa cho Tứ bốn tờ bạc năm chục ngàn: "Cậu cầm tạm, hĩ!". Tôi và ngoài cửa, ngượng ngùng: Quá ít! Nhưng tôi biết, "ngân sách" của phòng bây giờ chỉ còn lại có chừng đó. Mà hôm nay mới là ngày thứ hai của tháng.
Tứ cúi mặt, mân mê mấy tờ bạc. Mắt nó rơm rớm…
Hết
Admin
Admin
Quản trị viên
Quản trị viên

Tổng số bài gửi : 114
Age : 29
Đến từ : Tập đoàn T11 trường THCS Nguyễn Hiền - TP Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa.
Registration date : 16/05/2008

https://t11nguyenhien.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết